1
Bạn cần hỗ trợ?
VIÊM KHỚP THÁI DƯƠNG HÀM: NGUYÊN NHÂN - TRIỆU CHỨNG VÀ ĐIỀU TRỊ

VIÊM KHỚP THÁI DƯƠNG HÀM: NGUYÊN NHÂN - TRIỆU CHỨNG VÀ ĐIỀU TRỊ

Viêm khớp thái dương hàm tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt của người bệnh. Để tìm ra hướng giải quyết dứt điểm căn bệnh này, mời các bạn cùng tham khảo bài viết dưới đây.

1. VIÊM KHỚP THÁI DƯƠNG HÀM LÀ GÌ?

Khớp thái dương hàm là khớp nối giữa xương hàm dưới và xương sọ ở mỗi bên mặt. Nó giúp hàm đóng mở để thực hiện các hoạt động nhai, nói, nuốt… Khớp này di chuyển 3 chiều, được cấu tạo từ xương, sụn khớp, dây chằng, đĩa khớp, bao khớp. Bất kỳ thành phần cấu tạo nào bị tổn thương đều có thể gây ra tình trạng viêm khớp.

Viêm khớp thái dương hàm (còn gọi là rối loạn khớp thái dương hàm) gây đau, co thắt, mất cân bằng khớp, ảnh hưởng tới chức năng của khớp. Bên cạnh đó, bệnh còn gây ra một loạt các biểu hiện khó chịu khác và làm mất thẩm mỹ của người bệnh. Nếu không được điều trị kịp thời, nó có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm khác.

Một số báo cáo cho thấy, viêm khớp thái dương hàm gây đau vùng mặt chỉ đứng thứ hai sau đau răng. Theo thống kê, bệnh chiếm khoảng 14% trong cộng đồng, trong đó 56% ca có ít nhất một dấu hiệu lâm sàng.

2. DẤU HIỆU VIÊM KHỚP THÁI DƯƠNG HÀM

Triệu chứng của viêm khớp thái dương hàm thường bị nhầm lẫn với dấu hiệu của các bệnh lý khác. Phần lớn người bệnh chỉ đau nhẹ, tự nhiên khỏi. Tuy nhiên, một vài trường hợp sẽ tiến triển nặng, đau nhiều, khó cử động nhất là khi nhai, nói.

Nhìn chung, những người bị viêm khớp thái dương hàm sẽ gặp phải những triệu chứng sau:

Đau vùng khớp thái dương hàm 

- Đau ở một hoặc cả hai bên mặt

- Cơn đau tăng dần từ nhẹ tới dữ dội, đặc biệt là khi nhai

Đau nhức ở các vùng lân cận

- Đau trong và xung quanh tai, ù tai

- Đau nhức mắt, hoa mắt.

- Đau đầu

- Đau lan xuống cổ, gáy

Khó khăn trong cử động khớp

Cử động mở, khép miệng rất khó khăn. Nếu ở tình trạng nặng, người bệnh không thể há miệng

Tiếng lục cục tại khớp

Khi há miệng, nhai thức ăn thì có tiếng lục cục

Biến dạng khuôn mặt

Viêm khớp thái dương hàm nổi hạch có thể gây phì đại cơ nhai, sưng to mặt, mặt mất cân đối

Sốt

 Nóng, sốt, khó chịu trong người, đặc biệt là vào chiều tối

3. NGUYÊN NHÂN GÂY VIÊM KHỚP THÁI DƯƠNG HÀM

Bệnh có thể gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó đáng chú ý là nguyên nhân theo bệnh lý. Thống kê cho thấy, có tới 50% trường hợp bị viêm khớp thái dương hàm là do bệnh lý xương khớp.

3.1. Do cơ khớp thái dương hàm làm việc quá sức

Các chuyển động như nhai kẹo cao su, nghiến răng khi ngủ, cắn móng tay, nhai một bên… lặp đi lặp lại sẽ tạo áp lực lớn cho khớp thái dương khu vực này. Lâu dần sẽ khiến khớp thái dương quá sức dẫn đến viêm khớp.

3.2. Chấn thương

Các chấn thương gặp phải trong lao động, tham gia giao thông hoặc sinh hoạt thường ngày cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh. Những va đập tại mặt, hàm có thể tạo ra những tổn thương ở khớp thái dương hàm. Đôi khi chấn thương có thể xảy ra do há miệng quá rộng một cách đột ngột.

3.3. Viêm khớp thái dương hàm sau khi nhổ răng

Sau khi nhổ răng hàm, nhất là răng số 7 và 8, những răng mọc lệch, mọc chen chúc nhau có thể làm sai khớp thái dương hàm. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm khớp thái dương hàm. Vì vậy, hãy cẩn thận sau khi nhổ răng hàm.

3.4. Nhiễm khuẩn khớp

Nhiễm khuẩn khớp thái dương hàm do vi khuẩn gây ra cũng khiến khớp thái dương viêm, đau nhức dữ dội.

Các loại vi khuẩn thường gặp là tụ cầu khuẩn vàng; liên cầu khuẩn nhóm A, liên cầu khuẩn; não mô cầu…

Con đường xâm nhập của các loại vi khuẩn này là vết thương ở da, chân lông, tuyến bã nhờn, ổ nhiễm trùng liên quan tới răng và vùng quanh răng…

3.5. Viêm khớp dạng thấp

50% bệnh nhân bị viêm khớp thái dương hàm có liên quan tới viêm khớp dạng thấp. Đây là bệnh do hệ miễn dịch trong cơ thể “hiểu lầm” các khớp có chứa yếu tố gây hại nên tấn công dẫn đến tổn thương khớp và không thể điều trị dứt điểm.

Những người mắc phải bệnh lý này đều có biểu hiện cứng khớp, sưng, nóng, đỏ đau ở khớp thái dương. Đồng thời, viêm khớp thái dương hàm do viêm khớp dạng thấp có thể đi kèm với biểu hiện sốt, mệt mỏi.

3.6. Viêm khớp thái dương hàm do thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp là bệnh lý điển hình bởi sự thoái hóa, hư hại sụn khớp và các đầu xương tại khớp thái dương hàm.

Bệnh lý thường gặp ở những người trên 50 tuổi nhưng không phổ biến như khớp gối, khớp cổ tay, cổ chân.

3.7. Viêm thoái hóa thứ phát khớp thái dương hàm

Viêm thoái hóa thứ phát chỉ tình trạng xương khớp viêm, thoái hóa do một nguyên nhân khác gây ra (không phải do khớp thái dương hàm tự sưng và viêm). Bệnh thường gặp sau chấn thương mạn tính khu vực gần khớp thái dương hàm. Lâu dần vùng xương khớp khu đó có thể ảnh hưởng tới thái dương hàm.

3.8. Biến dạng bẩm sinh

Những biến dạng bẩm sinh của xương mặt có thể gây ảnh hưởng tới khả năng hoạt động của răng, hàm. Lâu dần nó sẽ gây viêm nhiễm. Nó có thể bao gồm khớp cắn lệch, răng mọc không đều…

Có thể nói, viêm khớp thái dương hàm do rất nhiều nguyên nhân gây ra. Để biết chính xác bạn mắc bệnh do đâu, bác sĩ sẽ tiến hành các thủ thuật chẩn đoán phù hợp. Vì vậy, khi xuất hiện triệu chứng bất thường hoặc nghi ngờ mình bị bệnh thì hãy đến viện thăm khám ngay.

4. KHI NÀO CẦN TỚI GẶP BÁC SĨ? 

Khi xuất hiện các triệu chứng sau, người bệnh cần tới gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác bệnh:

– Đau kéo dài hơn 1 tuần dù đã áp dụng các biện pháp điều trị tại nhà.

– Đau khi mở miệng hoặc đánh răng

– Há miệng có tiếng khớp kêu lục cục

– Không há hoặc đóng được miệng. Nhai khó khăn.

5. VIÊM KHỚP THÁI DƯƠNG HÀM CÓ NGUY HIỂM KHÔNG?

Viêm khớp thái dương hàm không phải là bệnh lý nguy hiểm. Nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng, khớp sẽ trở lại bình thường. Tuy nhiên, bệnh diễn tiến âm thầm, biểu hiện không rõ ràng khiến người bệnh có tâm lý chủ quan.

Trường hợp phát hiện muộn, viêm khớp thái dương có thể dẫn tới trật khớp, dính khớp do đầu khớp bắt đầu thoái hóa. Lúc này, người bệnh sẽ phải đối mặt với các biến chứng sau:

– Khả năng nhai bị ảnh hưởng: Quá trình ăn nhai bị đau nhức khiến người bệnh ngại ăn, ăn uống không ngon miệng. Bắt buộc, người bệnh phải điều chỉnh khẩu phần ăn uống, nhiều trường hợp chỉ ăn được cháo, súp.

– Khó khăn khi nói chuyện: Người bệnh nói chuyện khó nghe hơn do khẩu hình không thể mở rộng, không nói được câu dài, yếu hơi.

– Khuôn mặt bị lệch: Một số trường hợp mặt bị lệch do ảnh hưởng từ khung xương.

6. ĐIỀU TRỊ VIÊM KHỚP THÁI DƯƠNG HÀM

Tùy thuộc vào từng đối tượng người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.

6.1. Biện pháp hỗ trợ giảm đau viêm khớp thái dương hàm tại nhà

6.1.1. Chườm lạnh, chườm nóng

Một trong những biện pháp giảm đau tạm thời mà người bệnh có thể áp dụng là chườm giảm đau. Chườm lạnh sẽ phát huy hiệu quả trong vòng 48 giờ sau chấn thương gặp phải tại mặt và cơ hàm. Chườm nóng sẽ giúp giảm sưng, đau.

Người bệnh có thể dùng khăn, túi chườm, chai nước để chườm vào vị trí đau. Thời gian chườm trong khoảng 15 – 20 phút. Lưu ý là không chườm lên vết thương hở, không để nhiệt độ quá nóng.

6.1.2. Xoa bóp, massage

Liệu pháp xoa bóp cơ hàm có thể áp dụng trong điều trị viêm khớp thái dương hàm. Phương pháp xoa bóp nhẹ nhàng và sâu đều có tác dụng kích thích thần kinh cảm giác ở da, tăng cường lưu lượng máu đến các mô khớp. Từ đó, giúp giảm đau nhức vùng khớp thái dương hàm nhanh chóng.

Cách thực hiện rất đơn giản, bạn xoa da, vuốt ve một cách nhẹ nhàng bên thái dương hàm bị đau nhức. Hãy vuốt ve dọc theo chiều của cơ cắn và cơ thái dương. Bước tiếp theo là nắn bóp, tức là làm cho da và mô bên dưới da chuyển động xoay tròn. Có thể dùng lực mạnh hơn tùy vào cảm nhận mỗi người.

6.1.3. Giảm căng thẳng

Căng thẳng sẽ khiến bạn căng cơ, tăng đau khớp cho thái dương hàm. Do đó, giữ tâm lý thoải mái, tránh áp lực, căng thẳng lo lắng trong cuộc sống giúp giảm đau nhức hiệu quả. Vì vậy, hãy cố gắng giữ cho mình tinh thần thật vui vẻ, lạc quan.

6.1.4. Nghỉ ngơi

Để khớp thái dương được nghỉ ngơi, người bệnh nên hạn chế nhai, nói, ăn thức ăn mềm. Giai đoạn đầu, người bệnh nên hạn chế cử động, khi khớp được phục hồi có thể thực hiện các bài tập phù hợp để cải thiện khả năng vận động khớp.

6.2. Biện pháp nha khoa

Trong một số trường hợp, người bệnh có thể phải áp dụng các biện pháp nha khoa. Phương pháp này sẽ khắc phục nguyên nhân gây bệnh cũng như giảm tối đa cử động làm nghiêm trọng hơn tình trạng bệnh. Người bệnh cần tới gặp nha sĩ để được tư vấn và lựa chọn biện pháp hợp lý.

– Niềng răng: Giúp chỉnh lại khớp cắn, điều chỉnh lại các vị trí răng bị lệch. Có nhiều loại niềng răng như: niềng răng sứ, niềng răng kim loại…

– Đặt đĩa cắn: Đĩa cắn được thiết kế đặc biệt để đeo vào miệng ngăn nghiến răng, cắn chặt hàm vào ban đêm.

– Phục hình thẩm mỹ răng

6.3. Thuốc tây trị viêm khớp thái dương hàm

Viêm khớp thái dương hàm uống thuốc gì là câu hỏi được nhiều người đặt ra. Người bệnh chỉ dùng thuốc dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. Một số loại thuốc có thể được chỉ định như:

– Thuốc giảm đauParacetamol, Codein… Loại thuốc này giúp giảm bớt những cơn đau nhức cho người bệnh. Nó thường được dùng kết hợp với các loại thuốc hoặc phương pháp điều trị khác.

– Thuốc kháng sinh: Penicillin G, Oxacillin… Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh trong những trường hợp viêm khớp do nhiễm khuẩn giúp tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh.

– Thuốc chống viêm không steroid: Diclofenac, Meloxicam… có tác dụng hạn chế tình trạng viêm nhiễm tại khớp. Nó cũng hỗ trợ giảm đau, sưng.

– Thuốc giãn cơ: Eperisone… giúp làm giảm căng cứng, thư giãn cơ hàm cho người bệnh.

– Một số thuốc khác: Tùy vào các triệu chứng cụ thể người bệnh có thể sẽ được bác sĩ chỉ định thêm một số loại thuốc khác như: thuốc chống trầm cảm, thuốc giảm triệu chứng nghiến răng, thuốc mất ngủ…

Thuốc tây chữa viêm khớp thái dương hàm kể trên phải được bác sĩ chỉ định. Người bệnh tuyệt đối không tự ý mua về sử dụng. Trong trường hợp sử dụng theo chỉ định của bác sĩ nếu có gì bất thường phải báo ngay, tránh tác dụng phụ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.

6.4. Châm cứu

Việc sử dụng kim châm cứu tác động vào huyệt đạo sẽ giúp giảm tín hiệu dẫn truyền thần kinh gây đau. Nó cũng giúp giãn cơ hàm và đem lại cảm giác dễ chịu hơn cho người bệnh. Đây là phương pháp hỗ trợ điều trị hiệu quả.

6.5. Vật lý trị liệu

Các biện pháp vật lý trị liệu có tác dụng tốt trong việc phục hồi lại chức năng của khớp hàm thái dương, cũng như giảm đau, giãn cơ. Bác sĩ vật lý trị liệu có thể chỉ định: xoa bóp, chiếu đèn hồng ngoại, tập vận động hàm dưới, siêu âm trị liệu… Để đạt hiệu quả, người bệnh cần phối hợp tốt trong quá trình điều trị.

6.6. Liệu pháp chọc rửa khớp

Bác sĩ sẽ chèn kim vào khớp và bơm vào khớp loại chất lỏng đặc biệt. Nó sẽ giúp loại bỏ các mảnh vụn và các sản phẩm phụ viêm. Biện pháp này thường đi kèm với các phương pháp trị liệu khác.

6.7. Phẫu thuật

Phẫu thuật là phương pháp được lựa chọn cuối cùng. Tuy nhiên, cũng không nhiều trường hợp cần tới phương pháp này. Bác sĩ hoặc nha sĩ có thể tiến hành mổ mở hoặc nội soi để sửa chữa hoặc thay thế khớp bị hư hại.

7. BỊ VIÊM KHỚP THÁI DƯƠNG HÀM NÊN ĂN GÌ, KIÊNG GÌ?

Viêm khớp thái dương hàm nên ăn gì, kiêng gì luôn được người bệnh quan tâm. Bởi, chế độ ăn uống ảnh hưởng nhiều đến quá trình cải thiện bệnh. Dưới đây là một số nhóm thực phẩm người bệnh nên tăng cường bổ sung và hạn chế khi điều trị.

7.1. Những thực phẩm nên bổ sung

– Thức ăn mềm: Bị viêm khớp thái dương hàm thường gặp khó khăn trong việc ăn uống. Do đó, người bệnh chỉ nên ăn những thực phẩm mềm như cháo, bún, phở…

– Cá béo giảm viêm: Các loại cá béo như cá thu, cá hồi… là lựa chọn không thể bỏ qua ở những người viêm khớp nói chung. Bởi, nhóm thực phẩm này giàu axit béo omega-3 có tác dụng giảm viêm, giảm đau cứng khớp.

– Ăn các loại quả mọng: Những loại quả mọng như dâu tây, việt quất, cam, quýt… rất tốt cho người viêm khớp thái dương hàm. Bởi, những loại quả này có khả năng tăng cường miễn dịch, ngăn ngừa bệnh về xương khớp.

– Gừng: Những người viêm khớp thái dương hàm nên bổ sung gừng. Thực phẩm có tác dụng chống viêm, giảm sưng, bảo vệ sụn khớp.

7.2. Những thực phẩm nên hạn chế

Một số thực phẩm, đồ uống dưới đây có khả năng kích hoạt phản ứng viêm, khiến bệnh thêm trầm trọng. Vì vậy, người bị viêm khớp thái dương hàm nên hạn chế:

– Đồ ăn cứng: Khớp thái dương hàm sẽ trở nên khó khăn khi bị bệnh. Vì vậy, người bệnh nên hạn chế sử dụng đồ ăn cứng, khó nhai, khó nuốt.

– Muối: Ăn muối có thể gây thất thoát một lượng lớn canxi trong cơ thể khiến bạn có nguy cơ bị loãng xương, cao huyết áp, suy giảm chức năng thận.

– Đồ ngọt: Những đồ ăn ngọt có thể làm tăng hàm lượng đường trong máu dẫn đến khí huyết lưu thông chậm, cản trở quá trình phục hồi các khớp.

– Đồ uống có cồn: Nghiên cứu khoa học cho thấy, đồ uống có cồn sẽ cản trở phác đồ điều trị viêm khớp. Do vậy, khi đang điều trị người bệnh không nên sử dụng đồ uống có cồn.

  • share

NHẬN XÉT VỀ BÀI VIẾT

Tin tức liên quan