1
Bạn cần hỗ trợ?
Gan nhiễm mỡ là bệnh gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Gan nhiễm mỡ là bệnh gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Gan nhiễm mỡ là lượng mỡ tích tụ bất thường trong gan, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như viêm gan, xơ gan, thậm chí ung thư gan. Vậy nguyên nhân, cách điều trị và cần lưu ý gì đối với người bị mỡ gan cao.

1. GAN NHIỄM MỠ LÀ BỆNH GÌ?

Gan nhiễm mỡ là sự tích tụ bất thường của mỡ thừa ở trong gan. Thông thường, trong gan có một lượng nhỏ chất béo (từ 2 – 4% trọng lượng gan). Khi lượng chất béo này chiếm từ 5% trở lên sẽ được gọi là gan nhiễm mỡ. Hàm lượng chất béo chiếm càng nhiều trọng lượng gan càng gây ảnh hưởng tới chức năng gan nói riêng và sức khỏe tổng thể nói chung.

2. PHÂN LOẠI

Có 2 cách phân loại căn bệnh này tùy thuộc vào tiêu chí theo nguyên nhân gây bệnh hay theo mức độ.

2.1. Theo nguyên nhân gây bệnh

Dựa theo nguyên nhân gây bệnh có thể chia thành 2 loại là:

– Gan nhiễm mỡ do rượu: Thường xuyên uống một lượng lớn bia rượu chính là nguyên nhân gây ra căn bệnh nay. Cồn trong bia rượu cản trở quá trình chuyển hóa mỡ trong gan. Từ đó khiến lượng mỡ dư thừa tích tụ trong gan ngày càng lớn.

– Gan nhiễm mỡ không do rượu: Đây là tình trạng mỡ dư thừa vượt quá mức trong gan mà không phải do tình trạng uống rượu bia quá độ gây nên.

2.2. Theo mức độ

Mỗi cấp độ sẽ phản ánh mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh:

- Gan nhiễm mỡ độ 1: Hàm lượng mỡ chiếm 5-10% trọng lượng gan

- Gan nhiễm mỡ độ 2: Hàm lượng mỡ chiếm 10-25% trọng lượng gan

- Gan nhiễm mỡ độ 3: Hàm lượng mỡ chiếm từ 30% trọng lượng gan trở lên

3. TRIỆU CHỨNG CỦA GAN NHIỄM MỠ

Nhiều trường hợp gan nhiễm mỡ không gây ra các triệu chứng đáng chú ý. Một số người chỉ cảm nhận được các cơn đau tức ở phía trên bên phải bụng. Phải đến khi đi khám mới nhận thức được tình trạng.

Thông thường, các triệu chứng dễ thấy ở người gan nhiễm mỡ bao gồm:

- Mệt mỏi, chán ăn

- Gan sưng to

Khi có những biểu hiện dưới đây, tình trạng gan nhiễm mỡ đã chuyển sang xơ gan:

- Bụng sưng to

- Các mạch máu dưới da nở rộng hơn

- Nam giới ngực to hơn bình thường

- Lòng bàn tay đỏ

- Vàng da, vàng mắt

4. NGUYÊN NHÂN GÂY NÊN GAN NHIỄM MỠ

Mỡ gan có thể tăng cao do sử dụng nhiều rượu bia, mắc các bệnh về chuyển hóa, đặc biệt là mỡ máu cao, người có thể trạng béo phì…

4.1. Gan nhiễm mỡ do uống quá nhiều rượu bia

Đối với bệnh gan nhiễm mỡ do rượu, nguyên nhân chủ yếu đến từ việc uống quá nhiều rượu. Rượu làm hạn chế quá trình tổng hợp lipoprotein và ức chế thải mỡ ở gan. Từ đó làm tích tụ các phân tử mỡ tại gan, gây nên tình trạng mỡ gan cao cấp tính hoặc mạn tính.

4.2. Thể trạng béo phì hoặc suy dinh dưỡng

Béo phì là một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng này. Theo báo cáo từ Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia – Trực thuộc Thư viện Y học Quốc gia Hoa Kỳ, có tới 30-90% người béo phì mắc gan nhiễm mỡ.

Ngay cả khi cân nặng bình thường vẫn có nguy cơ nhiễm mỡ ở gan nếu vòng eo có quá nhiều mỡ thừa (vòng eo nam vượt 99-101 cm, nữ vượt 86-99cm).

Ngược lại, ở những người suy dinh dưỡng, ăn uống không khoa học, cơ thể không tổng hợp được các chất thiết yếu để thanh lọc mỡ thừa, dẫn đến tích tụ mỡ trong gan. Ngoài ra, ở người suy dinh dưỡng, lượng đường trong máu giảm, không đủ để tạo ra năng lượng, cơ thể tự điều chỉnh tăng hấp thụ mỡ để phân giải năng lượng, các axit béo đi vào máu và lại vận chuyển đến gan, gây ra mỡ gan.

4.3. Do yếu tố di truyền

Người trong gia đình có tiền sử mắc gan nhiễm mỡ có nhiều khả năng mắc bệnh hơn so với người bình thường. Ngoài ra, tỉ lệ người Mỹ gốc Phi hoặc nam giới gốc Tây Ban Nha cũng làm tăng nguy cơ mắc.

4.4. Tuổi tác – Yếu tố nguy cơ gây gan nhiễm mỡ

Tuổi càng cao, chức năng gan suy giảm, giảm khả năng oxy hóa axit béo trong tế bào gan, từ đó không thanh thải được các phân tử mỡ trong gan. Ngoài ra, khi cơ thể lão hóa, việc sản sinh tế bào gan mới suy giảm, dẫn đến sự hình thành của tổ chức xơ, dẫn đến xơ gan.

4.5. Người mắc các hội chứng chuyển hóa

Người mắc các hội chứng chuyển hóa như rối loạn lipid máu (mỡ máu cao), kháng insulin gây tiểu đường đều khiến lượng axit béo tự do tăng cao, gan không vận hóa hết và tích tụ tại gan.

4.6. Chế độ ăn uống sinh hoạt không hợp lý

Việc sử dụng quá nhiều chất béo, đặc biệt chất béo bão hòa khiến các phân tử mỡ lắng đọng vào thành mạch, gan và các cơ quan nội tạng khác trong cơ thể.

4.7. Một số nguyên nhân ít phổ biến hơn

Ngoài các yếu tố trên, một số yếu tố nguy cơ này cũng liên quan tăng mỡ gan:

- Suy tuyến giáp, suy tuyến yên

- Tiếp xúc với chất độc và hóa chất

- Viêm gan C hoặc các bệnh nhiễm trùng khác

- Dùng một số loại thuốc như glucocorticoid, (Rheumatrex, Trexall), estrogen tổng hợp, tamoxifen (Nolvadex, Soltamox)

- Đang trong thời gian thai kỳ

- Cắt bỏ túi mật

5. ĐỐI TƯỢNG CÓ NGUY CƠ MẮC GAN NHIỄM MỠ

Dựa vào nguyên nhân có thể dễ dàng nhận thấy các đối tượng có nguy cơ như:

- Người béo phì, người có vòng eo lớn hoặc giảm cân đột ngột, suy dinh dưỡng

- Người viêm gan siêu vi mạn tính, đặc biệt viêm gan C

- Người có người thân trong gia đình mắc gan nhiễm mỡ

- Người cao tuổi

- Người bị các bệnh rối loạn chuyển hóa như tiểu đường type 2, mỡ máu cao

- Người bị hội chứng buồng trứng đa nang, suy tuyến giáp, suy tuyến yên

6. BIẾN CHỨNG NGUY HIỂM

Người bị gan nhiễm mỡ từ cấp độ 2 trở lên, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến viêm gan, lâu dần hình thành nên các mô sẹo quanh gan, gây xơ gan. Biến chứng nghiêm trọng nhất chính là suy gan và ung thư gan, gan không tự hồi phục được chức năng.

Cụ thể:

- Tích tụ chất lỏng trong bụng

- Các tĩnh mạch trong thực quản bị sưng, có thể vỡ ra và chảy máu

- Lú lẫn và luôn trong tình trạng buồn ngủ

- Ung thư gan

- Suy gan

 

7. CHẨN ĐOÁN GAN NHIỄM MỠ

Hầu hết nhiều người không biết tình trạng mỡ bám nhiều trong gan cho đến khi xét nghiệm. Bác sĩ có thể thực hiện một số phương pháp chẩn đoán sau:

- Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ khai thác về tiền sử bệnh; thói quen ăn uống, sử dụng rượu bia; kiểm tra các triệu chứng lâm sàng, chiều cao, cân nặng.

- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm men gan AST, ALT; xét nghiệm mỡ máu; xét nghiệm lượng đường huyết; các xét nghiệm máu để loại trừ nguyên nhân khác.

- Chẩn đoán hình ảnh: Siêu âm, chụp cắt lớp, chụp cộng hưởng từ để xác định mỡ trong gan.

- Sinh thiết gan: Nếu nghi ngờ xơ gan, các bác sĩ sẽ chỉ định lấy mẫu mô từ gan để xét nghiệm

8. ĐIỀU TRỊ GAN NHIỄM MỠ

Đề làm giảm lượng mỡ trong gan về mức cho phép, cần tìm hiểu chính xác nguyên nhân, do rượu hay không do rượu để có phác đồ điều trị cụ thể. Với những trường hợp mới chớm bị bệnh việc điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt có thể phát huy tác dụng. Trường hợp nặng hơn hoặc bắt nguồn từ nguyên nhân bệnh lý khác có thể cần sử dụng thuốc để giảm triệu chứng và ngăn ngừa tổn thương gan.

8.1. Giảm gan nhiễm mỡ bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt

Người bệnh chủ động giảm mỡ gan bằng chính chế độ ăn uống và sinh hoạt.

- Bổ sung rau xanh, trái cây, ngũ cốc, cá giàu omega-3, tránh đồ dầu mỡ, chiên xào

- Tránh hoàn toàn rượu bia, thuốc lá, chất kích thích. Việc cai rượu có thể giúp các chỉ số xấu đều giảm.

- Nếu thừa cân hãy nhờ sự trợ giúp của chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng chế độ ăn kiêng khoa học. Chỉ cần giảm 3-5% trong lượng cơ thể đã giúp giảm đáng kể mỡ trong gan

- Uống đủ nước và ngủ đủ giấc để gan tự phục hồi chức năng

- Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày

8.2. Thuốc Tây

Bác sĩ điều trị sẽ là người quyết định loại thuốc nào phù hợp với bạn

- Choline: giảm triệu chứng và các tổn thương tại gan

- Methionin: thúc đẩy quá trình hòa tan mỡ thừa ở gan, giải độc và cải thiện chức năng gan.

- Bổ sung: vitamin B, C, E; acid amin: Giúp tăng khả năng hòa tan chất béo dư thừa, cải thiện chức năng gan.

8.3. Một số thảo dược giúp giảm mỡ gan

Trong Đông y, gan nhiễm mỡ do các tổn thương tỳ vị, cơ quan tiêu hóa không vận hóa được đàm thấp dẫn đến tích tụ tại mỡ và gan. Ngoài ra, suy hư thận khí ở người cao tuổi cũng tác động đến quá trình vận hóa, làm cho mỡ đọng lại gan.

Chính vì vậy, Đông y đề cao vấn đề giải quyết cả gốc lẫn ngọn, vừa giúp cải thiện hệ tiêu hóa, vừa tiêu trừ mỡ xấu trong gan. Một số thảo dược có thể được sử dụng trong trường hợp này là: Nhân trần, Lá sen, Giảo cổ lam, Nha đam, Cam thảo, Nần vàng, Trạch tả, Actiso…Cách đơn giản nhất đối với từng vị này là hãm thành trà uống thay nước.

9. CÁCH PHÒNG TRÁNH

Để phòng tránh tình trạng này, một số thay đổi trong lối sống, sinh hoạt có thể hữu ích:

- Duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học. Hạn chế bia rượu, đồ uống có cồn.

- Quản lý cân nặng ở mức cho phép.

- Rèn luyện thể lực đều đặn mỗi ngày 30 phút. Hãy lựa chọn môn thể thao mà bản thân yêu thích.

- Khám sức khỏe định kỳ, kiểm tra lượng đường trong máu định kỳ hoặc các chỉ số mỡ máu để kiểm soát yếu tố nguy cơ gây mỡ gan

  • share

NHẬN XÉT VỀ BÀI VIẾT

Tin tức liên quan