1
Bạn cần hỗ trợ?
Ăn mặn có tăng huyết áp không? Cách cắt giảm muối

Ăn mặn có tăng huyết áp không? Cách cắt giảm muối

Mối quan hệ giữa việc nạp vào cơ thể quá nhiều muối và tình trạng tăng huyết áp đã được nghiên cứu trong nhiều năm qua. Bài viết sau sẽ phần nào đưa ra những thông tin nhằm trả lời câu hỏi ăn mặn có tăng huyết áp không.

1. ĂN MẶN CÓ TĂNG HUYẾT ÁP KHÔNG?

Muối ăn bao gồm natri, clorua và có thể được bổ sung iốt, sắt, axit folic. Natri cần thiết cho điều chỉnh sự co cơ, tham gia vào chức năng thần kinh, huyết áp.

Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, một người trưởng thành khỏe mạnh không nên tiêu thụ quá 5g muối/ngày. Ăn mặn được xác định là khi sử dụng quá lượng muối khuyến nghị này. Dựa trên số liệu điều tra, người Việt đang có chế độ ăn thừa muối với trung bình 9,4g/ngày.

Vậy ăn mặn có làm tăng huyết áp không? Theo nhiều nghiên cứu, ăn mặn là một trong những nguyên nhân khiến huyết áp tăng cao. Đây cũng chính là lý do tại sao người huyết áp cao không nên ăn mặn; hay người huyết áp cao thường được khuyên là nên hạn chế thực phẩm nhiều muối.

Bên cạnh làm tăng huyết áp, ăn mặn còn có thể làm tăng nguy cơ mắc phải các bệnh lý như tim mạch, loãng xương, suy thận…

2. TẠI SAO ĂN MẶN LẠI TĂNG HUYẾT ÁP?

Lượng muối lớn có thể làm tăng huyết áp theo một số cơ chế sau:

2.1. Ăn mặn làm tăng huyết áp do giữ nước

Muối có thành phần chính là natri – có tính hút nước. Khi nồng độ natri cao, cơ thể sẽ phải làm loãng nồng độ này bằng cách giữ lại nước và gia tăng cảm giác khát để uống nhiều nước hơn. Điều này làm tăng thể tích dịch trong máu, tăng trương lực thành mạch từ đó làm tăng áp lực trong mạch máu.

2.2. Thu hẹp lòng mạch

Khi natri thẩm thấu vào thành động mạch, nó sẽ làm co mạch khiến động mạch bị thu hẹp. Thêm vào đó, lượng muối lớn cũng tác động vào quá trình loại bỏ chất béo dư thừa trong mạch máu. Những mảng chất béo này cũng khiến cho lòng mạch bị thu hẹp. Lòng mạch hẹp làm tăng sức cản ngoại vi dẫn tới huyết áp bị đẩy cao.

2.3. Tăng độ nhạy với adrenalin

Muối làm tăng độ nhạy cảm của tim mạch, thận với adrenalin – chất làm tăng huyết áp.  Tuy nhiên, mức độ nhạy cảm này ở mỗi người không giống nhau. Thường người cao tuổi, người béo phì có độ nhạy cảm với muối cao hơn nên dễ bị tăng huyết áp hơn.

3. HẬU QUẢ CỦA TĂNG HUYẾT ÁP DO ĂN MẶN

Ăn mặn tăng huyết áp sẽ gây ra hậu quả nặng nề cho sức khỏe nếu không được phát hiện và kiểm soát kịp thời.

3.1. Triệu chứng huyết áp cao ảnh hưởng xấu tới sức khỏe

Huyết áp cao là một căn bệnh thầm lặng vì các dấu hiệu thường mờ nhạt hoặc xuất hiện muộn. Một số biểu hiện khi tăng huyết áp ở mức nặng có thể là: Đau đầu, khó thở, chóng mặt, tức ngực, chảy máu cam…

3.2. Tổn thương động mạch

Huyết áp tăng cao gây căng thẳng cho động mạch. Thành động mạch phản ứng lại bằng cách làm dày các cơ. Điều này vô tình thu hẹp không gian lòng mạch khiến huyết áp lại tăng cao thêm. Vòng luẩn quẩn này cứ lặp đi lặp lại cho tới khi động mạch bị xơ vữa, phình, tắc nghẽn, vỡ. Từ đó khiến cho cơ quan liên quan thiếu oxy, dưỡng chất cần thiết gây tổn thương nghiêm trọng.

3.3. Dẫn tới các bệnh lý tim mạch, não bộ

Nếu động mạch dẫn tới não bị tắc nghẽn sẽ dẫn tới thiểu năng tuần hoàn máu gây đau đầu, suy giảm trí nhớ. Trường hợp nặng, mạch máu bị vỡ có thể gây tai biến mạch máu não. Đối với tình trạng giảm lượng máu tới tim có thể gây đau thắt ngực, nặng nề hơn là dẫn tới nhồi máu cơ tim.

Nhồi máu cơ tim là hậu quả năng nề mà bạn có thể gặp phải khi bị huyết áp cao

4. CÁCH NHẬN BIẾT ĂN MẶN

Đôi khi chúng ta không ý thức được rằng bản thân đang ăn quá nhiều muối vì khẩu vị sớm đã định hình từ lâu. Một số dấu hiệu sau có thể giúp bạn nhận biết liệu mình có đang ăn quá mặn hay không.

4.1. Luôn ăn nhiều nước chấm

Nước chấm là một cách để tăng thêm hương vị cho món ăn mà nhiều người yêu thích. Người ăn mặn thường có xu hướng chấm đậm tay. Đối với những món ăn có phần nước chấm riêng cho từng người, người ăn mặn thường có thể dùng hết phần nước chấm, thậm chí phải dùng thêm một phần nước chấm nữa.

4.2. Thường cảm thấy món ăn bị nhạt

Người ăn mặn sẽ luôn có cảm giác món ăn do người khác nấu nhạt nhẽo, không vừa miệng. Họ có thể yêu cầu thêm muối vào món ăn hoặc yêu cầu thêm nước chấm. Ngoài ra, món ăn do những người thường xuyên cho nhiều muối chế biến sẽ thường bị người khác cho rằng mặn hơn bình thường.

4.3. Khát nước thường xuyên

Lượng natri cao trong cơ thể sẽ khiến bạn cảm thấy khát hơn mức bình thường. Đây chính là lý do tại sao sau khi ăn một món ăn mặn bạn thường cảm thấy khát và uống bao nhiêu nước cũng không cảm thấy đỡ.

4.4. Cảm giác phù nề, mệt mỏi

Do cơ thể bị tích nước nên có thể chân, tay và mặt sẽ bị phù nề. Cơ thể lúc nào cũng mệt mỏi và cảm giác nặng nề hơn do phù nề cũng như do huyết áp cao làm ảnh hưởng tới việc cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cần thiết.

4.5. Nhận diện qua triệu chứng huyết áp cao

Thường xuyên ăn quá mặn sẽ làm tăng huyết áp. Do đó, nếu bạn phát hiện ra các triệu chứng của huyết áp cao; sử dụng máy đo huyết áp thường xuyên để phát hiện mức huyết áp cao bất thường thì tức là bạn có thể đang ăn quá mặn.

5. CÁCH KIỂM SOÁT LƯỢNG MUỐI TRONG CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG

Theo một nghiên cứu năm 2014, việc giảm 2,3g muối trong chế độ ăn hàng ngày sẽ giúp giảm huyết áp tâm thu trung bình 3,82 mmHg. Nhằm cắt giảm lượng muối trong khẩu phần bạn có thể thực hiện một số biện pháp sau:

- Hạn chế ăn những thực phẩm mà bạn không thể biết được lượng muối trong đó. Đó có thể là đồ ăn nhanh, thức ăn ở hàng quán… Tự nấu ăn tại nhà với nguyên liệu tươi sẽ giúp bạn kiểm soát được lượng muối bỏ vào mỗi món ăn.

- Giảm lượng muối khi chế biến món ăn một cách từ từ để khẩu vị kịp thích nghi. Ưu tiên các món luộc, hấp thay vì món cần nhiều gia vị như kho, rang. Để tăng thêm hương vị cho món ăn bạn có thể sử dụng rau thơm, gia vị khác như tiêu, chanh, ớt…

- Ghi nhật ký theo dõi lượng muối trong khẩu phần ăn mỗi ngày. Điều này sẽ giúp bạn nhận diện được lượng muối có nhiều nhất trong loại thực phẩm, món ăn nào.

- Khi mua thực phẩm đóng gói hãy đọc kỹ bao bì để lựa chọn sản phẩm có hàm lượng natri thấp hơn. Hạn chế sử dụng thực phẩm có hàm lượng muối cao như: dưa cà muối, trứng muối, mắm tôm…

- Nếu có thể hãy hạn chế dùng nước chấm hoặc ít nhất hãy chấm nhẹ tay. Bạn cũng có thể sử dụng nước mắm pha loãng thay vì dùng nước mắm đặc.

KẾT LUẬN

Câu trả lời cho thắc mắc ăn mặn có tăng huyết áp không là có. Lượng muối quá mức nạp vào cơ thể sẽ theo nhiều cơ chế tác động làm huyết áp tăng cao. Huyết áp cao không chỉ gây ra một loạt các triệu chứng ảnh hưởng tới sức khỏe mà còn có dẫn tới những biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và kiểm soát kịp thời. Do đó, hãy tự kiểm tra xem bản thân có đang tiêu thụ quá nhiều muối hay không. Nếu có hãy áp dụng các biện pháp cắt giảm muối ngay từ bây giờ.

 

  • share

NHẬN XÉT VỀ BÀI VIẾT

Tin tức liên quan