1
Bạn cần hỗ trợ?
Suy nhược thần kinh là bệnh gì? Triệu chứng và cách điều trị

Suy nhược thần kinh là bệnh gì? Triệu chứng và cách điều trị

Hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, mệt mỏi, mất tập trung, người thiếu sức sống… là những biểu hiện cảnh báo suy nhược thần kinh. Bệnh lý không chỉ xuất hiện ở người cao tuổi mà có xu hướng trẻ hóa. Nếu chủ quan, không thăm khám và điều trị người bệnh có nguy cơ mắc phải trầm cảm, lo âu…

1. SUY NHƯỢC THẦN KINH LÀ GÌ?

Suy nhược thần kinh là bệnh lý phổ biến hiện nay. Đây là bệnh thuộc nhóm loạn thần kinh chức năng do những rối loạn chức năng vỏ não và một số trung khu dưới vỏ não gây nên. Khi đó, những dòng thông tin, dòng xung đột không được sàng lọc qua mạng lưới thân não dồn cả lên vỏ não khiến vỏ não không chịu đựng nổi. Lúc này tế bào thần kinh làm việc “quá tải” dẫn đến sự suy yếu, ảnh hưởng quá trình phục hồi và nghỉ ngơi ở cơ thể.

Có thể nói, suy nhược thần kinh được xem là bệnh của mọi thời đại. Bởi, theo thống kê mỗi năm tại khoa thần kinh và tâm thần, số lượng bệnh nhân bị suy nhược thần kinh chiếm 60 – 70% số lượt khám. Trong đó, 4 – 5% bệnh nhân bị suy nhược thần kinh thực vật.

Suy nhược thần kinh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên chiếm đa số là tuổi lao động trí óc (20 – 40 tuổi). Bệnh nếu không được quan tâm và điều trị có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng.

2. DẤU HIỆU SUY NHƯỢC THẦN KINH BẠN NÊN LƯU TÂM

Khi bị suy nhược thần kinh, hầu hết người bệnh đều gặp phải những biểu hiện sau:

2.1. Mất ngủ

Đây không chỉ là dấu hiệu mà còn là nguyên nhân gây ra suy nhược thần kinh và khiến bệnh thêm nặng hơn.

Khi bị suy nhược, giấc ngủ của người bệnh sẽ rối loạn, thời gian ngủ ban đêm ít hơn. Đồng thời, người bệnh gặp phải tình trạng khó ngủ, ngủ không yên giấc hay tỉnh dậy giữa đêm nhưng không ngủ lại được… Ban ngày cảm thấy buồn ngủ nhưng khi lên giường lại không ngủ được.

2.2. Đau đầu, nhức đầu

Người bệnh thường có cảm giác đầu óc nặng nề, vị trí đau thường ở trán, hai bên thái dương hoặc một bên đỉnh đầu… Thời gian đau đầu có thể xuất hiện khác nhau, tùy từng trường hợp. Có những người bị đau nhức suốt ngày nhưng có người chỉ vài giờ.

Triệu chứng đau đầu sẽ tăng lên rõ rệt khi xúc động, mệt mỏi hoặc làm việc căng thẳng. Nếu được nghỉ ngơi, ngủ nghỉ đau đầu sẽ được cải thiện.

2.3. Mất kiểm soát cảm xúc

Người bệnh thường xuyên có cảm giác khó chịu, bực bội, dễ bị kích thích tâm lý. Thậm chí có thể nóng nảy, gắt gỏng và phản ứng thái quá với một vấn đề nào đó.

2.4. Mệt mỏi

Mệt mỏi là biểu hiện thường gặp ở người bị suy nhược thần kinh. Mệt mỏi không rõ nguyên nhân do đâu, nghỉ ngơi bồi dưỡng thế nào cũng không phục hồi thể lực. Cảm giác cơ thể như thiếu sức sống, chân tay rã rời không muốn làm gì.

Người bị suy nhược thần kinh thường có cảm giác đau đầu, mệt mỏi

2.5. Rối loạn lo âu

Mặc dù mất kiểm soát, dễ nổi nóng, cáu gắt nhưng người suy nhược thần kinh cũng dễ sợ hãi, lo sợ khi giao tiếp với mọi người. Người bệnh lúc nào cũng có suy nghĩ mình mắc bệnh nghiêm trọng nào đó, gặp chuyện gì cũng suy nghĩ thái quá.

Ngoài những biểu hiện kể trên, người suy nhược thần kinh còn gặp phải các triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt, đau lưng, mỏi cổ…. Nếu cơ thể xuất hiện những biểu hiện này thì hãy chủ động thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt. Bởi lẽ, suy nhược thần kinh nếu kéo dài có nguy cơ gặp phải trầm cảm, lo âu…

3. NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH DO ĐÂU?

Theo thống kê, tại Việt Nam có tới 3 – 4% dân số mắc suy nhược thần kinh. Số liệu này cũng không ngừng gia tăng, ai cũng có nguy cơ gặp phải, kể cả là lứa tuổi học sinh.

Theo các chuyên gia, có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh lý này, có thể kể ra những nguy nhân sau:

3.1. Chịu cú sốc tâm lý mạnh

Sang chấn tâm lý với cường độ mạnh vượt quá ngưỡng chịu đựng của một người hoặc kéo dài là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tình trạng suy nhược thần kinh.

3.2. Stress – căng thẳng quá độ

Tình trạng căng thẳng, stress kéo dài (do công việc, học tập, mâu thuẫn gia đình, áp lực tài chính…) khiến cho cơ thể và tinh thần của bạn mệt mỏi. Tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng tới thần kinh và dễ dẫn đến suy nhược.

3.3. Mất ngủ kéo dài

Như đã chia sẻ ở trên, mất ngủ là triệu chứng của suy nhược thần kinh nhưng cũng là nguyên nhân gây ra bệnh lý này.

Khi giấc ngủ bị gián đoạn, ngủ không đủ giấc, dễ tỉnh giấc khi ngủ, khó ngủ… khiến não bộ căng thẳng. Tình trạng này kéo dài làm cho thần kinh luôn căng thẳng ảnh hưởng đến tâm lý, cảm xúc và có khả năng dẫn đến suy nhược thần kinh.

Thường xuyên bị mất ngủ

3.4. Suy giảm chất dẫn truyền thần kinh

Suy nhược thần kinh có thể là do sự thiếu hụt chất dẫn truyền thần kinh serotonin. Đây là hợp chất đóng vai trò quan trọng trong hoạt động thần kinh, tâm trạng và hành vi xã hội.

Trên thực tế, sự thiếu hụt serotonin là nguyên nhân có liên quan đến rối loạn tâm thần, thần kinh (giấc ngủ, căng thẳng, trầm cảm, mệt mỏi, lo âu, vui, buồn…).

3.5. Thiếu hụt chất dinh dưỡng

Ăn uống không đủ chất, không đủ bữa khiến cơ thể bị thiếu chất dinh dưỡng, không đủ để cung cấp cho các cơ quan. Đặc biệt là não bộ dẫn đến thiếu máu lên não, không tổng hợp đủ chất dẫn truyền thần kinh serotonin cho hoạt động của não bộ gây suy nhược thần kinh.

3.6. Tác động mạnh từ môi trường xung quanh

Một số tác động từ môi trường bên ngoài như ô nhiễm môi trường, tiếng ồn, điều kiện sống không đảm bảo, môi trường làm việc hoặc học tập căng thẳng, những mối quan hệ không lành mạnh… Tất cả đều có thể là nguyên nhân khiến bạn bị suy nhược thần kinh.

3.7. Do mắc một số bệnh lý

Khi bị mắc một số bệnh lý như chấn thương sọ não, huyết áp cao, xơ vữa động mạch, viêm loét dạ dày… Những bệnh lý này khiến người bệnh mệt mỏi, lo âu, căng thẳng. Tình trạng này kéo dài cũng dẫn tới suy nhược thần kinh.

3.8. Lối sống buông thả

Những người có lối sống buông thả, thiếu khoa học với những hành vi xấu như sử dụng chất kích thích, uống nhiều bia rượu, cà phê, hút thuốc lá…  Hành vi này kéo dài có thể âm thầm gây suy nhược thần kinh.

4. ĐỐI TƯỢNG NÀO CÓ NGUY CƠ BỊ SUY NHƯỢC THẦN KINH?

Có thể nói, suy nhược thần kinh là căn bệnh xã hội hiện đại. Vì vậy, không phân biệt giới tính, độ tuổi, ai cũng có nguy cơ mắc phải bệnh lý này. Tuy nhiên, theo một vài tài liệu thống kê, những người dưới đây có nguy cơ dễ mắc hơn:

- Người thường xuyên căng thẳng, chịu cú sốc tâm lý lớn.

- Người lao động trí óc, làm việc trong môi trường áp lực lớn.

- Người nghiện rượu, hút thuốc lá nhiều.

- Người sức khỏe yếu, mắc bệnh lý mạn tính.

- Học sinh, sinh viên học tập căng thẳng.

5. TÁC HẠI CỦA SUY NHƯỢC THẦN KINH

Cuộc sống hiện đại, công việc, học tập áp lực khiến cho suy nhược thần kinh ngày càng phổ biến. Bệnh diễn tiến với các triệu chứng như đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi, uể oải, lo lắng…

Theo chuyên gia, nếu suy nhược thần kinh không được kiểm soát và điều trị hiệu quả, người bệnh có nguy cơ gặp phải những hệ lụy sau:

- Mất ngủ: Mất ngủ, khó ngủ triền miên, buồn ngủ nhưng không ngủ được, dễ tỉnh nửa đêm. Điều này ảnh hưởng xấu tới tinh thần, thể chất, làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.

- Rối loạn thực vật và nội tạng: Mạch đập không đều, tụt huyết áp, thân nhiệt tăng giảm thất thường, đánh trống ngực. Thậm chí, rối loạn nội tiết gây ra hiện tượng liệt dương, rối loạn kinh nguyệt ở nữ.

- Có nguy cơ trầm cảm: Suy nhược thần kinh kéo dài sẽ khiến cho người bệnh liên tục trong trạng thái lo lắng, bất an, dễ xúc động, không kiểm soát được cảm xúc. Tình trạng này kéo dài khiến bạn có nguy cơ trầm cảm.

- Xuất hiện ý định tự sát: Khi sức khỏe suy kiệt, tâm lý bất ổn, người bệnh thường xuyên có suy nghĩ tiêu cực, cực đoan, thái quá vấn đề. Chính những suy nghĩ này hình thành nên hành vi tự sát để chấm dứt nhanh chóng sự mệt mỏi, đày đọa này.

Có thể nói, suy nhược thần kinh dù ở mức độ nặng hay nhẹ đều được xem là bệnh lý nguy hiểm. Bệnh không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe mà còn cả cuộc sống của bản thân và người thân. Vì vậy, cần điều trị CÀNG SỚM CÀNG TỐT. Bệnh nếu để lâu sẽ có khó xử lý

6. CÁCH CHẨN ĐOÁN BỆNH

Các bệnh lý liên quan đến tâm lý thần kinh sẽ được chẩn đoán thông qua khám lâm sàng, cụ thể:

- Bác sĩ đặt ra câu hỏi về triệu chứng, tiền sử bệnh, tiền sử sức khỏe gia đình, các loại thuốc và thực phẩm chức năng người bệnh đã từng sử dụng.

- Trò chuyện để khai thác các sang chấn, tổn thương trong quá khứ, những vấn đề người bệnh đang gặp ở hiện tại.

- Thực hiện kiểm tra thể chất hoặc một vài xét nghiệm cần thiết để xác định các bệnh lý liên quan tới triệu chứng.

Sau khi thực hiện thăm khám, căn cứ vào kết quả và biểu hiện của người bệnh, bác sĩ sẽ tìm ra nguyên nhân và mức độ bệnh. Từ đó, đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

7. BỊ SUY NHƯỢC THẦN KINH CÓ CHỮA KHỎI ĐƯỢC KHÔNG?

Câu trả lời là hoàn toàn có thể chữa khỏi. Bằng nhiều phương pháp tác động phù hợp, bệnh suy nhược thần kinh sẽ được điều trị hiệu quả. Tuy nhiên, các chuyên gia thần kinh cho biết, có khỏi được hay không phụ thuộc vào người bệnh cũng như người nhà phải có thái độ hợp tác, kiên trì và tích cực.

Ngoài ra, bệnh có khỏi được hay không còn phụ thuộc vào tình trạng người bệnh, mức độ bệnh đang ở đâu. Với những trường hợp suy nhược thần kinh ở giai đoạn nặng, đã kéo dài nhiều năm việc xử lý cũng gặp nhiều khó khăn.

8. PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ BỆNH

Tùy vào từng trường hợp, nguyên nhân gây bệnh mà bác sĩ có thể chỉ định phương pháp điều trị khác nhau. Dưới đây là những phương pháp Ban biên tập tổng hợp từ chuyên gia, người bệnh có thể tham khảo.

8.1. Sử dụng thuốc tây

Suy nhược thần kinh uống thuốc gì là vấn đề nhiều người bệnh quan tâm. Các loại thuốc được gợi ý dưới đây sẽ giúp giảm triệu chứng bệnh, cải thiện cuộc sống. Cụ thể:

- Dùng thuốc tăng cường tuần hoàn não: Loại thuốc này giúp máu lưu thông não tốt hơn, giảm triệu chứng đau đầu, mất ngủ. Một số loại thuốc thường được sử dụng như Piracetam, Ginkgo, Biloba…

- Thuốc an thần: Đây là nhóm thuốc giúp điều hòa sự ổn định của trung ương thần kinh, giảm cảm giác căng thẳng, mệt mỏi do áp lực công việc, cuộc sống. Tuy nhiên, người bệnh cũng lưu ý nhóm thuốc này dễ gây nhờn thuốc nếu lạm dụng. Vì vậy, người bệnh nên thận trọng khi sử dụng.

- Thuốc giảm đau: Thuốc có chứa hoạt chất paracetamol nên có hiệu quả giảm đau, cắt cơn đau đầu nhanh. Hoặc dùng giảm đau trong những trường hợp mắc bệnh lý có biểu hiện đau nhức như bệnh gout, xương khớp….

- Các loại vitamin: Cung cấp yếu tố vi lượng, thúc đẩy quá trình chuyển hóa dưỡng chất trong cơ thể, giúp ổn định sức khỏe.

8.2. Điều trị bằng liệu pháp tâm lý

Hỗ trợ tâm lý là một trong những phương pháp cơ bản trong điều trị suy nhược thần kinh. Các bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý sẽ trao đổi với bệnh nhân, tìm nguyên nhân giúp bệnh nhân gỡ bỏ những vướng mắc tâm lý.

Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ hướng dẫn bệnh nhân các bài tập như thiền, yoga, tư vấn chế độ ăn uống, sinh hoạt và giải quyết những căng thẳng cho người bệnh.

8.3. Bấm huyệt

Bấm huyệt là phương pháp thông kinh hoạt lạc, điều trị nhiều bệnh lý, đặc biệt có suy nhược thần kinh. Các huyệt thường dùng trong điều trị suy nhược thần kinh là chiếu hải, tam âm giao, lao cung, thần môn và thống lý. Vị trí này được thực hiện như sau:

- Chiếu hải: Nằm dưới mắt cá chân khoảng một tấc.

- Lao cung: Gập cả ngón tay vào lòng bàn tay, sao cho ngón giữa chạm vào lòng bàn tay. Khi gấp lại sẽ thấy một vệt gấp giữa lòng bàn tay. Đây chính là huyệt Lao cung.

- Huyệt Thần môn: Huyệt nằm trong bờ cổ tay, ngay tại xương trụ, gần chỗ lõm của bờ ngoài gân cơ. Hay nói cách khác là đường chỉ lằn cổ tay.

- Thống lý: Nằm trên huyệt Thần môn khoảng 1 thốn. Khi xác định được Thần môn sẽ biết được Thống lý ở đâu.

- Tam âm giao: Là từ điểm cao nhất của mắt chân chân trong đo lên khoảng 3 thốn, tương đương 6,5cm đối với người lớn, 5,5cm đối với trẻ nhỏ.

8.4. Điều chỉnh chế độ sinh hoạt

Bên cạnh những phương pháp điều trị kể trên, để cải thiện suy nhược thần kinh người bệnh cần quan tâm tới chế độ sinh của mình. Cụ thể:

- Dành thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn, hãy ngồi tựa lưng hoặc nằm nghỉ tại giường, đó là 2 tư thế tốt nhất cho sức khỏe.

- Cải thiện vóc dáng, tập thể dục với cường độ thích hợp nếu có thể, mặc quần áo lỏng ở thắt lưng, tránh khom lưng. Cách này giúp bạn giảm hồi hộp, hạn chế lo lắng, cải thiện tình trạng đau lưng.

- Tránh hút thuốc lá, uống bia rượu và sử dụng các chất kích thích.

- Tập goga, thiền, các bài tập nhẹ nhàng tại nhà giúp bạn ngủ ngon hơn, giảm thiểu tình trạng suy nhược thần kinh hiệu quả.

- Xây dựng đời sống tinh thần lạc quan, thoải mái, tránh áp lực quá mức.

- Sắp xếp thời gian ngủ sớm, lựa chọn khung giờ cố định để tránh mất ngủ, khó ngủ.

9. NHỮNG NGƯỜI SUY NHƯỢC THẦN KINH NÊN ĂN GÌ?

Với người bị suy nhược thần kinh, chế độ dinh dưỡng cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Bởi vậy, để cải thiện hiệu quả điều trị, người bệnh cần bổ sung những thực phẩm sau:

- Bí đỏ: Thực phẩm chứa glutamic và tryptophan có tác dụng trong việc tăng trí nhớ, giảm căng thẳng.

- Socola: Thực phẩm chứa flavonoid có tác dụng giảm căng thẳng, stress, chống oxy hóa. Tuy nhiên, bạn nên chọn socola đen và ăn với liều lượng phù hợp.

- Sữa và các chế phẩm từ sữa: Nhóm thực phẩm chứa nhiều vitamin và khoáng chất có lợi cho sức khỏe. Đồng thời, thành phần trytophan gia tăng sự hưng phấn và kiểm soát cảm xúc tốt hơn.

- Thực phẩm giàu omega 3: Đây được xem là acid béo rất tốt cho sức khỏe và chức năng của mắt. Ngoài ra, omega 3 có tác dụng tăng cường chức năng não, giảm tâm lý mệt mỏi, chán nản. Bạn có thể bổ sung omega 3 từ cá thu, cá hồi, cá ngừ… hay dầu oliu, dầu hạt lanh.

- Hải sản: Hàu, sò huyết, cá mòi… chứa hàm lượng lớn coenzyme chứa magie, selen. Chúng có vai trò quan trọng giúp chuyển hóa lipid, glucid đáp ứng nhu cầu năng lượng của tế bào thần kinh. Khi bộ não được cung cấp đủ năng lượng sẽ hoạt động tốt hơn, giảm căng thẳng, mệt mỏi.

10. CÁCH PHÒNG NGỪA 

Suy nhược thần kinh là bệnh lý xã hội hiện đại, ai cũng có nguy cơ mắc phải. Khi mắc phải bệnh lý này, nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra những hệ lụy nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Vì vậy, tất cả chúng ta nên chủ động phòng ngừa bằng cách:

- Hạn chế áp lực và stress trong cuộc sống hàng ngày. Có thể áp dụng các phương pháp thư giãn như thiền định, tập thể dục, yoga…

- Đảm bảo giấc ngủ đủ 7 – 8 tiếng/ ngày, ngủ đủ giấc, đủ sâu.

- Bổ sung vitamin và khoáng chất từ chế độ ăn giàu chất xơ, trái cây, rau xanh, ngũ cốc… Đồng thời, ăn đủ bữa, đúng giờ

- Rèn luyện thể thao ít nhất 30 phút mỗi ngày, tham gia các hoạt động thể chất như đi bộ, chạy bộ, bơi lội… giảm bớt căng thẳng.

- Hạn chế sử dụng chất kích thích như thuốc lá, chất gây nghiện.

- Hạn chế xem tivi, điện thoại, máy tính trước giờ đi ngủ.

- Luôn suy nghĩ tích cực, lạc quan, vui vẻ.

Có thể nói, suy nhược thần kinh là bệnh lý nguy hiểm. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng tới sức khỏe, chất lượng cuộc sống. Thậm chí, nhiều trường hợp đã rơi vào trầm cảm, tự sát. Vì vậy, đừng chủ quan nếu như đang mắc bệnh lý này.

  • share

NHẬN XÉT VỀ BÀI VIẾT

Tin tức liên quan