1
Bạn cần hỗ trợ?
DẤU HIỆU THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM CỘT SỐNG CỔ

DẤU HIỆU THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM CỘT SỐNG CỔ

Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ là bệnh lý liên quan đến thần kinh cơ xương khớp có thể gặp ở cả người trẻ lẫn người già, gây cảm giác đau ở vùng quanh cổ. Khi có những dấu hiệu thoát vị đĩa đệm cột sống cổ bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế khám tránh dẫn đến tình trạng liệt do thoát vị đĩa đệm cổ.

 

1. Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ là gì?

Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ là tình trạng nhân nhầy của đĩa đệm thoát ra ngoài bao xơ, gây chèn ép rễ thần kinh vùng cổ và tủy cổ, gây cho bệnh nhân cảm giác đau đớn, đau lan dọc theo dây thần kinh vùng cổ đến vùng cánh tay, bàn tay và ngón tay.

Bệnh thường xuất hiện ở những bệnh nhân trên 40 tuổi nhưng cũng có thể gặp ở bất cứ đối tượng nào. Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ thường diễn ra sớm vì tại vị trí các đốt sống cổ thì hệ thống thần kinh và mạch máu đĩa đệm nơi đây vô cùng nghèo nàn, ít được nuôi dưỡng nhiều nên sự lão hóa xảy ra rất sớm dẫn đến tình trạng nhân nhầy thoát ra ngoài bao xơ.

Cơ chế bệnh sinh của thoát vị đĩa đệm cột sống cổ được giải thích theo 3 cơ chế như sau:

  • Thoái hóa đĩa đệm do tuổi, do lão hóa hoặc do chịu áp lực từ phần đầu.

  • Thoái hóa đĩa đệm do một số bệnh lý về chuyển hóa, miễn dịch và cơ học gây ra.

  • Thoái hóa đĩa đệm do di truyền.

2. Dấu hiệu thoát vị đĩa đệm cột sống cổ

đau mỏi cổ

Đau nhức mỏi vùng cổ là dấu hiệu thường gặp của thoát vị đĩa đệm cột sống cổ

Một số dấu hiệu thoát vị đĩa đệm cột sống cổ đó là:

  • Bệnh khởi phát với triệu chứng đau nhức mỏi vùng cổ, hạn chế vận động, cơn đau thường xuất hiện nhiều hơn vào khoảng thời gian vừa mới ngủ dậy.

  • Đau, co cứng cơ cạnh cột sống cổ, đau tăng lên khi bệnh nhân thực hiện những động tác như cổ thẳng hoặc cúi người lâu.

  • Ấn vào những điểm cạnh cột sống cổ đau.

  • Đau nhiều vùng gáy, có thể lan lên trên hoặc lan xuống dưới, cảm giác rát bỏng kèm theo, có thể đau nông hoặc đau sâu, cơn đau tăng lên khi vận động khiến bệnh nhân hạn chế những cử động gấp, duỗi, xoay hoặc nghiêng.

  • Đau kiểu rễ thần kinh cổ, đau tăng khi bệnh nhân gắng sức, tê bì vùng bàn tay và ngón tay, có thể đau 1 bên hoặc cả 2 bên.

  • Nhức đầu, đặc biệt là nhức đầu vùng chẩm, vùng thái dương, vùng trán và 2 bên hốc mắt, ngoài ra còn có thể chóng mặt, ù tai, giảm thị lực, nuốt khó, đau vùng tai và vùng sau tai được gọi là hội chứng động mạch đốt sống

  • Bệnh nhân đi không vững, dị cảm, teo cơ chi trên, yếu liệt chi trên hoặc chi dưới trong hội chứng chèn ép tủy, bệnh nhân có rối loạn cơ tròn và phản xạ gân xương thường tăng trong những trường hợp này.

3. Chẩn đoán thoát vị đĩa đệm cột sống cổ

chụp x-quang cột sống cổ

Chụp X quang cột sống cổ chếch 3⁄4

Bên cạnh, những dấu hiệu lâm sàng của thoát vị đĩa đệm cổ thì các kỹ thuật cận lâm sàng cũng góp phần chẩn đoán bệnh lý này, bao gồm những đặc điểm cận lâm sàng như sau:

  • Chụp X quang cột sống cổ ở những tư thế thẳng, nghiêng hoặc chếch 3⁄4 thì thấy hình ảnh mất đường cong sinh lý, xuất hiện những gai xương đốt sống cổ, hình ảnh đặc xương dưới sụn biểu hiện của áp lực đè ép lên xương, lỗ liên hợp bị thu hẹp.

  • Chụp cắt lớp vi tính cột sống cổ cho những đánh giá về chèn ép rễ thần kinh cũng như chèn ép những tổ chức trong ống sống

  • Chụp cộng hưởng từ cột sống cổ thấy chiều cao đĩa đệm cột sống cổ bị thoát vị có giảm đi so với những đĩa đệm bình thường, xương dưới sụn có những dấu hiệu bất thường, đặc biệt phương pháp này cho phép các bác sĩ điều trị có thể xác định được vị trí thoát vị đĩa đệm cột sống cổ từ đó có thể tiến hành phẫu thuật lấy nhân đệm trong những trường hợp cần thiết.

4. Kết luận

Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ thường khó hồi phục hơn so với thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng vì vừa liên quan đến các rễ thần kinh vừa liên quan đến tủy sống, nên rất dễ dẫn đến tình trạng yếu liệt tứ chi nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Vì vậy, khi có bất cứ dấu hiệu thoát vị đĩa đệm cột sống cổ nào thì người bệnh không nên có tâm lý chủ quan mà cần đến ngay cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, chẩn đoán xác định và điều trị bằng phương pháp phù hợp.

  • share

NHẬN XÉT VỀ BÀI VIẾT

Tin tức liên quan